Syria năm nay đã tăng mạnh nhập khẩu lúa mì từ bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine. Đây là dấu hiệu thắt chặt quan hệ kinh tế giữa Nga và Syria.
Theo hãng tin Reuters, lúa mì được đưa đến Syria từ cảng Sevastopol ở Crimea đã tăng gấp 17 lần trong năm nay, lên hơn 500.000 tấn. Con số này chiếm gần 1/3 tổng lượng ngũ cốc nhập khẩu của Syria.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đang kiểm soát hai khu vực nông nghiệp khác của Ukraine là Kherson và Zaporizhzhia.
Cả Ukraine và chính quyền do Nga bổ nhiệm đều cho biết một số ngũ cốc được xuất khẩu từ Zaporizhzhia qua Crimea. Tuy nhiên, Ukraine cho rằng ít nhất một phần ngũ cốc đi qua Sevastopol đã được lấy từ lãnh thổ Ukraine. Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Vào tháng 5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả cáo buộc Nga ăn cắp ngũ cốc ở Ukraine là giả mạo.
Ông Yevgeny Balitsky, Thống đốc Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, cho biết vào tháng 6 rằng các cảng Crimea đã được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc từ Zaporizhzhia. Tuy nhiên, ông cho biết nông dân sẽ được trả tiền thông qua một công ty do chính quyền của ông thành lập.
Ngoài ra, chính quyền Crimea cho biết 1,4 triệu tấn lúa mì đã được thu hoạch từ các cánh đồng của Crimea. Ukraine bác bỏ những con số này, nói rằng Crimea không sản xuất nhiều như vậy.
Theo dữ liệu của công ty Refinitiv, Syria đã nhập khẩu khoảng 501.800 tấn lúa mì từ Sevastopol trong năm nay tính tới cuối tháng 11, tăng so với khoảng 28.200 tấn trong cả năm 2021.
Các lô hàng được giao từ tháng 5 trở đi và lô hàng hàng tháng lớn nhất là 78.600 tấn vào tháng 10.
Do các lệnh trừng phạt làm giao thương giữa Syria và Nga trở nên phức tạp hơn, hai nước đang ngày càng dựa vào các tàu của mình để vận chuyển ngũ cốc.
Phân tích từ nền tảng dữ liệu hàng hải và hàng hóa Shipfix cho thấy so với cả năm 2021, số lượng đặt tàu chuyển ngũ cốc đến Syria đã giảm 2/3, xuống còn 54 trong năm tính đến ngày 30/11.
Thay vào đó, các lô hàng lúa mì thường di chuyển đến các cảng Latakia và Tartus của Syria trên ba tàu của Syria.
Các tàu này là Laodicea, Finikia và Souria, thuộc Tổng cục Vận tải Hàng hải Syria. Cả ba tàu đã bị Mỹ trừng phạt kể từ năm 2015 vì vai trò trong cuộc xung đột ở Syria trong thập kỷ qua.
Nga đã nhiều lần phản ánh rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nước này trong năm nay đã ảnh hưởng tới vận chuyển ngũ cốc đến các quốc gia trên khắp châu Phi và thế giới Arab vốn phụ thuộc vào ngũ cốc Nga.
Hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Syria và Nga không chính thức nhắm vào lương thực nhưng trên thực tế, các lệnh này có thể làm phức tạp hoạt động thương mại buôn bán ngũ cốc. Các lệnh trừng phạt gây khó khăn cho một số công ty kinh doanh ngũ cốc khi kinh doanh với Nga và Syria, đặc biệt là do hạn chế về tài chính.