Mặc dù thuốc lá là mặt hàng nằm trong danh mục bị cấm quảng cáo theo quy định pháp luật, tình trạng rao bán và giới thiệu sản phẩm liên quan đến thuốc lá trên không gian mạng vẫn diễn ra khá phổ biến. Các hội nhóm kín trên mạng xã hội, với lượng lớn thành viên tham gia, trở thành ‘cầu nối’ cho việc quảng cáo và mua bán thuốc lá trái phép. Các bài đăng trên những nhóm này thường sử dụng tên giả hoặc tài khoản ảo để đăng bài, kèm theo thông tin liên hệ riêng để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Việc mua bán thuốc lá diễn ra linh hoạt, từ bán lẻ đến bán nguyên cây, với mức giá dao động từ 300.000 đến 900.000 đồng/cây tùy theo loại sản phẩm.

Luật sư Dương Lê Ước An, Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát, cho biết pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hoàn toàn việc quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức và trên mọi nền tảng. Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi 2025) và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định rõ rằng thuốc lá là mặt hàng cấm quảng cáo, khuyến mại hay tiếp thị, trừ một số hoạt động tài trợ nhân đạo đặc biệt.
Các hành vi quảng cáo thuốc lá trên mạng xã hội, như đăng bài, quay clip sử dụng hoặc giới thiệu thuốc lá, đều có thể bị coi là quảng cáo trái phép và bị xử phạt từ 50 đến 70 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Luật sư An nhấn mạnh rằng, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do vấn đề thẩm quyền pháp lý, truy vết danh tính và tốc độ lan truyền nội dung quá nhanh.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có công cụ pháp lý như Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 53/2022/NĐ-CP và Nghị định 181/2013/NĐ-CP để yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm và buộc các nền tảng tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Về mức xử phạt hiện nay, luật sư An đánh giá chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với những đối tượng thu lợi lớn từ quảng cáo thuốc lá. Ông đề xuất tăng mức phạt, bổ sung các hình thức xử lý bổ sung như tịch thu lợi nhuận, đình chỉ hoạt động, công khai danh tính vi phạm… và hoàn thiện khung pháp lý quản lý thuốc lá điện tử – vốn đang là kẽ hở trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay.