Trang chủ Điện ảnh Nhà báo Trần Hồng: Người kể chuyện bằng ảnh về mẹ Việt Nam Anh hùng

Nhà báo Trần Hồng: Người kể chuyện bằng ảnh về mẹ Việt Nam Anh hùng

bởi Linh

Cơ duyên đặc biệt với chân dung mẹ

Ngay từ những bước chân đầu tiên trên con đường báo chí, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã chạm đến một đề tài thiêng liêng, nơi trái tim và nghề nghiệp hòa quyện: Chân dung những người mẹ Việt Nam.

Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng

Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng


Nhà báo Trần Hồng là một cái tên đã gắn liền với những câu chuyện xúc động về các mẹ Việt Nam Anh hùng qua ống kính của ông. Trần Hồng sinh năm 1947, quê ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1968, ông nhập ngũ, trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Một năm sau (1969), ông được điều động ra Bắc theo học khóa Báo chí đầu tiên tại Trường Tuyên huấn Trung ương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Năm 1973, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Sau đó, ông còn may mắn là phóng viên quân đội được biệt phái sang làm báo ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam trong 8 năm liền. Hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, ngoài đề tài người lính, ông còn dành đam mê với chủ đề người mẹ, người phụ nữ Việt Nam.

Đề tài “Chân dung mẹ” đã theo đuổi đại tá, nhà báo Trần Hồng từ những ngày đầu bước chân vào làm báo cho đến tận bây giờ. Cơ duyên bắt đầu từ chuyến về phép 15 ngày với mẹ ông ở quê. Một lần được mẹ gội đầu, ông chợt nhận ra niềm vui bình dị, giản đơn trong ánh mắt mẹ khi được chăm sóc con. Từ đó, ông trăn trở về những người mẹ Việt Nam đã không còn có được niềm vui nhỏ nhoi ấy vì con của họ đã hy sinh nơi chiến trường và mãi mãi không trở về.

Và thế là kể từ đó, góc máy của nhà báo Trần Hồng bắt đầu “bén duyên” với chân dung các mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong hành trình hơn 40 năm theo đuổi công việc làm báo, đam mê chụp ảnh chân dung người mẹ, ông đã gặp vô số những câu chuyện xúc động.

Tác phẩm “Đợi con về” nhà báo Trần Hồng chụp mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) năm 2001

Tác phẩm “Đợi con về” nhà báo Trần Hồng chụp mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Đặc điểm nổi bật ở bức ảnh chân dung mẹ mà nhà báo Trần Hồng chụp đều là những hình ảnh trung thực, ở những góc máy rất đặc biệt, luôn truyền đến người xem cảm hứng sâu sắc, khơi gợi nhiều điều nội tâm người mẹ. Trong sự nghiệp của mình, nhà báo Trần Hồng đã có những bức ảnh gây xúc động mạnh mẽ đối với công chúng.

Tôn vinh người phụ nữ Việt Nam

Với hơn 40 năm gắn bó với máy ảnh, nghề báo, làm nhiệm vụ của một phóng viên ảnh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Trần Hồng đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực báo chí, nhiếp ảnh nước nhà. Tính đến nay, ông đã thực hiện được hơn chục cuộc triển lãm ảnh về đề tài người mẹ Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời cũng xuất bản nhiều cuốn sách ảnh cùng chủ đề.

Tôn vinh người phụ nữ Việt Nam

Đại tá, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng tại Triển lãm ảnh “Ký ức và huyền thoại”

Đáng chú ý là bộ ảnh chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng gồm 90 bức ảnh, đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm ấn tượng vào năm 2020 và sau đó được đưa vào Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã tiếp nhận và công nhận 111 tác phẩm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 81 bức chân dung mẹ Việt Nam là tài sản quốc gia.

Với nhà báo Trần Hồng, mỗi bà mẹ Việt Nam đều vĩ đại và đáng được tôn vinh, dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các mẹ Việt Nam Anh hùng. Dù đã ở tuổi ngoài 70, nhưng bất kể khi nào có cơ hội, ông lại cầm máy ghi lại những khoảnh khắc của những người mẹ.

Những tác phẩm của ông không chỉ là những bức ảnh mà còn là những câu chuyện về tình yêu, sự hy sinh và những nỗi đau thầm lặng của những người mẹ Việt Nam, những người đã làm nên sự vĩ đại của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm