Luật Nhà giáo – Cột mốc quan trọng của ngành giáo dục
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngày 16-6-2025 là một ngày rất đặc biệt đối với ngành giáo dục vì Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật Nhà giáo. Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với ngành giáo dục, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Luật Nhà giáo là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo. Việc ban hành luật này khẳng định chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước. Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, giữ gìn môi trường sư phạm an toàn, văn minh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu
Cùng với đó, Luật Nhà giáo quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu. Trong khi đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn để giữ chân người tài.
Chuẩn bị sẵn sàng cho đạo luật quan trọng đi vào cuộc sống, Bộ GD-ĐT đã dự thảo 2 nghị định và gần 20 thông tư hướng dẫn thi hành để Chính phủ, bộ ban hành đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà giáo vào ngày 1-1-2026.
Cũng trong ngày 16-6, Quốc hội đã thảo luận về các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Các dự thảo nghị quyết nhận được sự tán thành cao của các đại biểu.
Luật Nhà giáo và 2 dự thảo nghị quyết này sẽ góp phần kiến tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nền giáo dục của đất nước trong những thập niên tới. Đây là cơ hội đột phá của ngành giáo dục trong kỷ nguyên mới của dân tộc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục.
Hành lang pháp lý quan trọng đã có, ngành giáo dục cần khẩn trương tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, tích cực triển khai thực hiện Luật Nhà giáo và 2 nghị quyết để trẻ em sớm được hưởng các chính sách ưu việt từ năm học mới 2025-2026.