Việc thu hút và quản lý dòng vốn đầu tư ngoài ngân sách, bao gồm nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước, hợp tác công-tư (PPP) và các hình thức xã hội hóa, đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc bổ sung cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả của dòng vốn này, cần thiết phải có một hệ thống quản lý minh bạch và thống nhất, cũng như nâng cao năng lực điều hành dự án từ khâu chuẩn bị, thực hiện đến vận hành và giám sát.
Theo báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2024 của Bộ Tài chính, chỉ có 84 đơn vị báo cáo trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư. Trong năm 2024, có 1.290 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 8.014 dự án; tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm là 1.246.781 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện trong năm là 305.210 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 4.204 dự án đã đi vào khai thác, vận hành; 2.777 dự án có lợi nhuận, tổng số tiền nộp ngân sách lên đến khoảng 67.532 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý đầu tư. Trong năm 2024, có 2.516 dự án được kiểm tra, đánh giá, trong đó có 1.667 dự án vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư; 324 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 2.605 dự án phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những con số này cho thấy chất lượng công tác chuẩn bị, thẩm định, giám sát và hậu kiểm vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, các quy định pháp luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp hoặc có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án; một số dự án chậm triển khai thực hiện do năng lực tài chính của nhà đầu tư còn yếu, công tác quản lý dự án còn nhiều hạn chế.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành kiến nghị. Trước hết, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông và ổn định nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; đưa ra những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về logistic; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho những ngành xuất khẩu chủ lực.
Về phía Bộ Tài chính cũng được kiến nghị tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách hiện đóng vai trò ngày càng lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng đi cùng với đó là đòi hỏi khắt khe về năng lực quản lý, tính minh bạch trong triển khai và sự nhất quán của chính sách điều hành. Vì vậy, để khắc phục tình trạng báo cáo sơ sài, thiếu cập nhật và nâng cao hiệu quả quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng cơ chế giám sát sau đầu tư (post-project review).
Đặc biệt, với các dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài, tính ổn định và nhất quán của chính sách lại càng đóng vai trò then chốt. Những điều chỉnh đột ngột về giá, thuế, ưu đãi… nếu thiếu lộ trình rõ ràng sẽ dễ gây tâm lý lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư và uy tín quốc gia. Vì vậy, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch và có khả năng dự báo là yêu cầu cấp thiết.