Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị “Kết nối mạng lưới khởi nghiệp và thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng”. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức khởi nghiệp. Mục tiêu là thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua việc giới thiệu các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ tiêu biểu của Đại học Đà Nẵng.

Sinh viên trình bày dự án khởi nghiệp
Tại hội nghị, các ý kiến đề xuất đã tập trung vào việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp từ các dự án khoa học công nghệ. Các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở nghiên cứu cũng được gợi ý.
Trong khuôn khổ hội nghị, vòng chung kết Cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2025 đã diễn ra với 13 dự án thuộc nhiều lĩnh vực như kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường và sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Lê Anh Vân, sinh viên Khoa Cơ khí, thành viên của dự án LotusEase – máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động, cho biết: “Chúng em kỳ vọng dự án sẽ thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, cũng như kết nối với các chương trình ươm tạo khởi nghiệp.”
Dịp này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với một số trung tâm đào tạo khởi nghiệp và doanh nghiệp nhằm hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học.