Khu Công nghệ cao TPHCM đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh nhằm hiện thực hóa mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động môi trường.
Tại hội thảo về phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh tổ chức sáng 17/6, PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng năng lượng toàn diện và sâu sắc.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức trong “cuộc đua” hướng tới nền kinh tế carbon thấp, được thúc đẩy bởi những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Phát triển năng lượng tái tạo – hướng đi tất yếu
Theo Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, để hiện thực hóa tầm nhìn này, không một tổ chức nào có thể đi một mình. Do vậy, ông Cường mong muốn nhận được những đề xuất đột phá từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học để kiến tạo hệ sinh thái năng lượng năng động.
Về phía Khu Công nghệ cao TPHCM, đơn vị đặt mục tiêu phấn đấu hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ tại SHTP sẽ đến từ các nguồn tái tạo, góp phần thực hiện các mục tiêu Net – Zero.
Năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen xanh, đang là nguồn năng lượng sạch có tiềm năng lớn trong việc thay thế nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu khí thải carbon trong các ngành công nghiệp nặng, vận tải, và năng lượng.

TS Nguyễn Hải An chia sẻ tại hội thảo
TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM cho biết, đơn vị có hệ thống phòng lab với chi phí điện năng lên tới hơn 500 triệu đồng mỗi tháng. Để thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, ông An mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật lắp điện mặt trời áp mái.
Theo tính toán, khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM có thể tiết kiệm từ 2-3 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. “Cơ chế hợp tác công tư giúp tiết kiệm năng lượng, hướng đến chuyển đổi xanh là hướng đi chiến lược và ổn định của trung tâm trong giai đoạn tới”, ông An nói.
Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM cũng cho biết đơn vị có đội ngũ nhà khoa học có thể phát triển các phế phẩm nông nghiệp thành các chế phẩm sinh học góp phần giảm ô nhiễm, tạo năng lượng và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các nguồn sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp có thể được phát triển thành nguồn năng lượng sinh học như ethanol, biodiesel. Khí biogas được tạo từ vi sinh xử lý rác hữu cơ tạo ra methane phát điện, nhiệt.