Chiều 10-7, Sở VH-TT TPHCM đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nghị định sau 20 năm triển khai.
Đặt tên đường dựa trên truyền thống lịch sử và văn hóa
Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Từ năm 2005 đến nay, cơ quan có thẩm quyền của TPHCM đã ban hành văn bản đặt tên cho 643 tuyến đường và công trình công cộng; đổi tên 3 tuyến đường và điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường.
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP</caption]
Các tuyến đường được đặt tên, đổi tên phù hợp với truyền thống lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu. Ngân hàng tên đường và công trình công cộng hiện có 1.375 tên, đã sử dụng để đặt tên đường 620 tên, còn 755 tên chưa sử dụng.
Hạn chế đổi tên đường để tránh gây phiền hà
Từ năm 2005 đến năm 2025, TPHCM chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các tuyến đường được đặt tên mới. Đến tháng 6-2025, thành phố đã đặt, đổi tên cho khoảng 880 con đường trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận, nhiều tên đường bị sai, không mang ý nghĩa. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở VH-TT thành phố đã điều chỉnh các tên đường như: Bùi Hữu Diện (tên sai) – Bùi Hữu Diên (tên đúng), Nguyễn Chánh Sắc (tên sai) – Nguyễn Chánh Sắt (tên đúng).
Cần quy định quản lý tên đường trùng
TS Trương Hoàng Trương, giảng viên Trường Đại học KHXH và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng cần bổ sung quy định quản lý tên đường trùng sau hợp nhất. Nhiều tên đường là nhân vật lịch sử nổi tiếng được các tỉnh thành chọn giống nhau có thể giữ nguyên sau hợp nhất miễn là không cùng một phường/xã.
Khu vực đường đi bộ đường Nguyễn Huệ</caption]
Số hóa quản lý tên đường
TS Trương Hoàng Trương phân tích: “Nghị định mới có thể bổ sung quy định rằng các địa phương cần có cơ sở dữ liệu về tên đường và công trình công cộng, tích hợp với GIS, đồng thời, cần thiết lập cổng thông tin điện tử để công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến từ người dân.”
Lắng nghe ý kiến người dân
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “Việc đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng tại TPHCM rất được lãnh đạo, đơn vị quản lý quan tâm và chú trọng. Việc sắp xếp vị trí và đặt tên đường tại TPHCM còn phản ảnh hồn cốt và ghi dấu di sản đô thị.”
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh: “Lắng nghe ý kiến nhân dân, để những tên đường mới đặt hay thay đổi phù hợp với văn hóa, lịch sử, ghi dấu và phát huy hồn cốt di sản xứng tầm với đô thị này”.