GD&TĐ – Nằm giữa bốn bề núi rừng, Trường tiểu học và THCS xã Xốp (huyện Đăk Glei, Kon Tum) vẫn kiên trì bám trụ, mang đến cơ hội học tập cho con em đồng bào nơi biên giới.
Khó khăn chồng chất tại vùng biên
Trường tiểu học và THCS xã Xốp nằm cách trung tâm huyện Đăk Glei hơn 30km, giữa vùng núi rừng hoang vu. Xã có 4 thôn, 581 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ.

Phòng học xuống cấp nghiêm trọng
Ngôi trường này có 14 lớp học với 384 học sinh, trong đó 218 em sống ở các thôn cách trường từ 5 đến 10 km. Để các em được học hai buổi mỗi ngày, nhà trường tổ chức cho học sinh ở lại buổi trưa theo hình thức bán trú. Tuy nhiên, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng.
Dù đã cố gắng kêu gọi hỗ trợ, nhà trường chỉ xây dựng được một nhà ăn nhỏ, mỗi lượt chỉ đủ chỗ cho khoảng 100 em. Những em còn lại phải chờ đến lượt, chia ca ăn, rồi vội vàng trở lại lớp học. Không có phòng ở bán trú, nhiều em ngủ gục ngay trên bàn học hoặc ngồi lặng lẽ trong sân trường chờ đến giờ vào lớp chiều.
“Các em không có chỗ nghỉ nên buổi chiều học rất mệt. Có em ngủ gục trong giờ. Thương trò lắm nhưng điều kiện trường còn nhiều hạn chế quá, cuộc sống người dân lại quá khó khăn”, ông Trần Ngọc Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Nỗ lực vượt khó để ‘gieo’ tri thức
Không chỉ thiếu chỗ nghỉ ngơi, nơi học tập của các em cũng xuống cấp nghiêm trọng. Trong số 21 phòng học, có 8 phòng tường nứt, mái thấm, bàn ghế xiêu vẹo, ánh sáng không đảm bảo. Trường cũng thiếu các phòng học bộ môn như Tin học, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội…, gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, thư viện đạt chuẩn, phòng thiết bị, phòng tư vấn học đường cũng chưa có. Học sinh không có nhà đa năng, không có sân chơi, các hoạt động giáo dục toàn diện gần như không thể triển khai.
“Mỗi khi trời mưa, mọi hoạt động đều phải dừng lại. Thiếu thốn nhiều mặt khiến việc rèn luyện kỹ năng sống, thể chất cho học sinh rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến giáo dục toàn diện”, ông Mạnh nói.
Hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cũng phải vượt quãng đường từ 20 đến hơn 100km để đến điểm trường. Nhà công vụ có 10 phòng, được xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện đã xuống cấp nặng.
“Dù muôn vàn khó khăn nhưng thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, chỉ mong giữ được chân các em đến trường mỗi ngày”, ông Mạnh tâm sự.
Cơ sở vật chất phục vụ đời sống của thầy trò cũng thiếu đủ bề. Trường chưa có nhà xe, giáo viên và học sinh đành dựng xe tạm ở hiên lớp hoặc dọc hành lang.
“Nhà trường đang thiếu rất nhiều thứ. Từ phòng học, chỗ ở cho giáo viên, học sinh đến nhà đa năng, sân thể thao, hệ thống nước sạch… Mọi thứ đều cần. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan, ban ngành quan tâm, hỗ trợ để trường có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất.”
Bà Y Hải – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết, Trường tiểu học – THCS xã Xốp thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, trường thiếu thốn nhiều mặt từ phòng học, phòng chức năng đến thiết bị dạy học tối thiểu.
“Việc các cấp, ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị rất cấp thiết, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học”, bà Y Hải nhấn mạnh.