Trang chủ Công nghệ Cơ quan bảo vệ dữ liệu Đức yêu cầu gỡ ứng dụng AI DeepSeek của Trung Quốc

Cơ quan bảo vệ dữ liệu Đức yêu cầu gỡ ứng dụng AI DeepSeek của Trung Quốc

bởi Linh

Cơ quan bảo vệ dữ liệu Đức vừa yêu cầu Apple và Google gỡ bỏ DeepSeek – một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc – khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Đức. Ủy viên bảo vệ dữ liệu Meike Kamp cho biết lý do là DeepSeek đã chuyển dữ liệu người dùng sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp.

Nguy cơ lộ dữ liệu người dùng khi sử dụng DeepSeek

Trong tuyên bố ngày 27/6, bà Kamp nhấn mạnh rằng DeepSeek không cung cấp được bằng chứng thuyết phục rằng dữ liệu của công dân Đức được bảo vệ ở Trung Quốc ở mức tương đương với tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu.

Theo chính sách bảo mật của mình, DeepSeek lưu trữ dữ liệu như nội dung người dùng nhập vào, các tệp tải lên và lịch sử truy vấn AI trên máy chủ đặt tại Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có quyền truy cập sâu rộng vào dữ liệu cá nhân của người dùng.

Logo DeepSeek

Logo DeepSeek

Ủy ban bảo vệ dữ liệu Đức đã từng yêu cầu DeepSeek đáp ứng các tiêu chuẩn chuyển dữ liệu ngoài EU hoặc tự nguyện rút ứng dụng khỏi thị trường Đức vào tháng 5. Tuy nhiên, công ty đã không thực hiện.

DeepSeek nổi lên vào tháng 1/2025 khi tuyên bố sở hữu mô hình AI cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đến từ Mỹ như ChatGPT của OpenAI, nhưng với chi phí thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, hãng khởi nghiệp này nhanh chóng trở thành tâm điểm giám sát tại cả Mỹ và châu Âu về vấn đề bảo mật dữ liệu.

Trước đó, Ý đã cấm ứng dụng trên các chợ ứng dụng do thiếu minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Hà Lan cũng ra lệnh cấm sử dụng ứng dụng trong các thiết bị của chính phủ.

Ở Tây Ban Nha, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng OCU kêu gọi chính phủ điều tra mối đe dọa từ DeepSeek. Tại Mỹ, một số nhà lập pháp đang đề xuất dự luật cấm các cơ quan hành pháp sử dụng bất kỳ mô hình AI nào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Việc các nước liên tiếp đưa ra các biện pháp hạn chế đối với DeepSeek cho thấy mức độ lo ngại ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế về vấn đề bảo mật dữ liệu khi sử dụng các ứng dụng AI có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm