Trang chủ Doanh nghiệp Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương: Mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Lâm Đồng

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương: Mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Lâm Đồng

bởi Linh

Ngày 29/6/2025, tại nút giao dự án với Quốc lộ 27 (Km192) thuộc xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group), và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội

Dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là hợp phần quan trọng trong tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, một trong 10 tuyến cao tốc quốc gia khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối từ TP.HCM – Đồng Nai – Bảo Lộc – Đà Lạt và mở rộng ra các cảng biển như Phan Thiết, Cam Ranh, Phú Mỹ, sân bay Long Thành và toàn vùng Nam Trung Bộ.

Khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương: Bước tiến quan trọng

Ông Doãn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP BOT Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, đại diện liên danh nhà đầu tư phát biểu

Ông Doãn Tuấn Anh phát biểu tại lễ khởi công

Tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài 73,62 km, điểm đầu tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc và điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn (dẫn vào TP Đà Lạt) tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Dự án được thiết kế quy mô 4 làn xe, với tốc độ khai thác 80 km/h và sẽ được mở rộng lên 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với vận tốc thiết kế 100 km/h khi hoàn thiện.

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.718 tỷ đồng. Thời gian thi công xây dựng dự kiến là 30 tháng, và sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ được vận hành, khai thác thu phí trong thời gian 19 năm 10 tháng trước khi chuyển giao cho Nhà nước quản lý.

Tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển mới

Khi đi vào vận hành, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương sẽ trở thành “mắt xích” hoàn thiện trục cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km. Tuyến giao thông tốc độ cao này sẽ kết nối hiệu quả từ TP Hồ Chí Minh đến trung tâm cao nguyên Đà Lạt, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 6 giờ còn khoảng 3 giờ, tăng năng lực vận tải và giảm áp lực cho Quốc lộ 20 vốn đã quá tải và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại sự kiện

Ông Trần Hồng Thái phát biểu tại lễ khởi công

Tuyến đường cũng mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương dọc tuyến như Đồng Nai, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng – góp phần hình thành chuỗi đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, trung tâm logistics và dịch vụ hậu cần. Cao tốc này còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch liên vùng, cũng như thúc đẩy luân chuyển hàng hóa giữa Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kết nối giao thông và phát triển kinh tế

Đặc biệt, tuyến Bảo Lộc – Liên Khương sẽ được đồng bộ với hạ tầng hàng không của tỉnh, trong đó nổi bật là sân bay Liên Khương – một trong những cảng hàng không lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đang được quy hoạch nâng cấp thành sân bay quốc tế. Sự kết nối chặt chẽ giữa đường bộ tốc độ cao và đường hàng không sẽ hình thành một hệ sinh thái giao thông hiện đại, góp phần đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm trung chuyển chiến lược của toàn vùng Nam Tây Nguyên – duyên hải miền Trung – Đông Nam Bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát lệnh khởi công dự án

Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình phát lệnh khởi công dự án

Phát biểu tại sự kiện, ông Doãn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP BOT Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, đại diện liên danh nhà đầu tư – cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đúng quy chuẩn kỹ thuật; tôn trọng và gìn giữ môi trường sinh thái, cảnh quan, đời sống người dân dọc tuyến; đồng hành lâu dài cùng tỉnh Lâm Đồng để khai thác hiệu quả hạ tầng, phát triển dịch vụ phụ trợ, thu hút đầu tư thứ cấp.

Có thể bạn quan tâm