GD&TĐ – Hàng chục cán bộ, giáo viên dạy lái xe tại Vĩnh Phúc đang kêu cứu vì gần 4 năm bị chậm đóng bảo hiểm xã hội, dù lương vẫn được trừ đều đặn.
Lương vẫn trừ, bảo hiểm không đóng
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Công ty CP Vận tải ô tô Vĩnh Phúc, gần 4 năm qua, tiền lương hàng tháng của cán bộ, giáo viên vẫn bị trừ để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế số tiền này không được nộp theo đúng mục đích.
Ông Bùi Nam Thắng, Tổ trưởng Tổ 1, Tổ thực hành của Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi đã gửi đơn đến Báo GD&TĐ, và chúng tôi xin chịu mọi trách nhiệm pháp lý về các vấn đề đã trình bày.”
“Trong quá trình làm việc tại Trung tâm, chúng tôi có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Hàng tháng, trước khi chi trả tiền lương, phía Công ty CP vận tải ô tô Vĩnh Phúc đều thực hiện việc trích trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đến cuối năm 2022, chúng tôi mới biết Công ty CP vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã chậm đóng bảo hiểm xã hội suốt một thời gian dài, đến nay đã gần 4 năm.
Toàn bộ giáo viên dạy lái xe đang công tác tại Trung tâm đều bị chậm đóng bảo hiểm xã hội. Người bị chậm nhiều nhất là 3 năm 9 tháng, còn lại là ngắn hơn. Không chỉ giáo viên mà cả cán bộ, lãnh đạo Trung tâm cũng chung cảnh ngộ như chúng tôi.
Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động chúng tôi liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí sau này và nhiều vấn đề khác.”
[Caption align=”aligncenter” width=”650″]
Caption under 18 words
[/caption]
Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Ông Đặng Việt Đức – Giám đốc Trung tâm GDNN xác nhận việc người lao động của Trung tâm bị chậm đóng bảo hiểm xã hội là đúng.
Theo ông Đức, toàn bộ cán bộ, giáo viên, ban lãnh đạo Trung tâm khoảng 36 người đều bị chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Người đại diện theo pháp luật của Công ty CP vận tải ô tô Vĩnh Phúc phản hồi: Công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội vì thời gian Covid-19. Công ty đang có kế hoạch vay mượn để lo nộp.
Lật lại vấn đề này, luật sư Triệu Thị Bích Liên – Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi gian lận, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.”
“Trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội và thanh tra ngành lao động có trách nhiệm giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội. Nếu đã nhận được đơn kiến nghị từ người lao động mà không thanh kiểm tra, không có hành động cụ thể thì đây là dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý, cần được làm rõ.”
Trước tình trạng trên, người lao động mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.