Trang chủ Kinh tế Cách mạng công nghệ để đưa 4 loại trái cây lên quy mô tỷ đô

Cách mạng công nghệ để đưa 4 loại trái cây lên quy mô tỷ đô

bởi Linh

Ngày 18/7/2025, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã chủ trì Diễn đàn ‘Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa’. Sự kiện này thu hút hàng trăm đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Các doanh nhân tham gia toạ đàm tại diễn đàn.
Các doanh nhân tham gia toạ đàm tại diễn đàn.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả, với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chuối chiếm 161.000 ha, dứa trên 52.000 ha, dừa gần 202.000 ha và chanh leo hơn 12.000 ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cấp thiết có một “cuộc cách mạng công nghệ” trong lĩnh vực cây ăn quả.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cấp thiết có một “cuộc cách mạng công nghệ” trong lĩnh vực cây ăn quả.

Tuy nhiên, những con số hiện tại cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn so với tiềm năng đó. Nếu như dừa đã đạt mốc 1,1 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2024, thì chuối mới đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa thậm chí chưa đến 50 triệu USD.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định cả 4 mặt hàng đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, nhưng đang đối mặt với những hạn chế chung như giống cây trồng đơn điệu, thiếu khả năng chống chịu sâu bệnh; vùng nguyên liệu chưa đạt chuẩn; liên kết chuỗi lỏng lẻo; tỷ lệ chế biến còn thấp; thương hiệu quốc gia chưa hình thành.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của một ‘cuộc cách mạng công nghệ’ trong lĩnh vực cây ăn quả, nhằm đưa các mặt hàng này lên quy mô xuất khẩu tỷ đô. Theo ông, đây có thể là khởi đầu cho một chương trình lớn cấp quốc gia. Nếu các hiệp hội ngành hàng đồng thuận, Nhà nước sẵn sàng phối hợp thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin rằng Nghị định 88/2025/NĐ-CP và Nghị quyết 193/2025/QH15 đã tháo gỡ nhiều rào cản trong lĩnh vực nghiên cứu giống cây trồng, tạo hành lang pháp lý để các viện, trường tập trung cải tiến giống cây có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao.

Đồng thời, Nghị định 145/2025/NĐ-CP quy định rõ 17 nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở để thúc đẩy liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã trong quản lý chuỗi cung ứng.

Cùng với định hướng chính sách mạnh mẽ, vai trò điều phối của hiệp hội ngành hàng và sự chủ động từ các doanh nghiệp, nông dân, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu đưa chanh leo, dứa, dừa và chuối trở thành các mặt hàng tỷ đô trong giai đoạn 2026-2027.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cây dứa là ví dụ điển hình về tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Quy mô thị trường dứa toàn cầu đã đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng bình quân 6,3%/năm.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, ông Nguyên cho rằng cần một chiến lược phát triển bài bản hơn. Trước hết là mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống, ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, đồng thời đầu tư vào hệ thống thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất.

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh vai trò then chốt của hợp tác xã trong quản lý mã vùng trồng, tổ chức sản xuất và đảm bảo chất lượng.

Từ bài học đơn đau đến định hình liên kết chuỗi, nhiều ý kiến kêu gọi khai thác giá trị gia tăng từ các phụ phẩm nông nghiệp. Doanh nhân Võ Quan Huy cho rằng chuối không chỉ là trái cây tươi, mà toàn bộ cây đều có thể chế biến thành thực phẩm, dược liệu, vật liệu sinh học hay phân bón.

Ngành hàng chuối cũng được kỳ vọng trở thành trụ cột mới trong chiến lược nông sản xuất khẩu. Theo ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm, mục tiêu 4 tỷ USD hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành thống nhất áp dụng công nghệ cao, quản lý chặt chẽ chất lượng và mở rộng sản xuất quy mô lớn.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội và cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh vai trò của số hóa và bản đồ vùng trồng. Việc xây dựng bản đồ số vùng dừa là cấp thiết để truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị và tín chỉ carbon.

Những sáng kiến và mô hình tiêu biểu trên cho thấy nếu có chiến lược bài bản, sự đồng hành giữa doanh nghiệp – nông dân – nhà nước, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế, không chỉ dừng ở vài trăm triệu USD mà tiến tới hàng tỷ USD xuất khẩu mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm