Một trường hợp y tế hiếm gặp vừa được ghi nhận tại Ấn Độ khi một bé gái 14 tuổi phải trải qua phẫu thuật phức tạp để lấy ra khối tóc dài 210 cm khỏi dạ dày.
Bé gái sống tại làng Barara, quận Agra, bang Uttar Pradesh, đã phải chịu đựng các cơn đau dạ dày và nôn mửa trong hơn một tháng. Khi đến bệnh viện khám, các bác sĩ ban đầu cho rằng đó là một khối u bất thường trong dạ dày.
Kết quả chụp CT cho thấy một “vật thể lạ” khổng lồ chiếm phần lớn khoang dạ dày, kéo dài từ vùng thượng vị tới rốn. Qua khai thác bệnh sử và tiến hành thêm xét nghiệm, các bác sĩ kết luận em mắc hội chứng Pica – một rối loạn khiến người bệnh có xu hướng thèm ăn những vật không phải thực phẩm.
Bé gái nuốt tóc và dị vật do hội chứng Pica

Bé gái đau bụng và nôn mửa
Tình trạng này bắt đầu từ năm lớp 6, khi bé gái bắt đầu nuốt phấn trong lớp học do ảnh hưởng từ bạn bè. Thói quen này dần chuyển thành hành vi thường xuyên nuốt tóc và các vật thể lạ khác, dẫn đến hội chứng “Rapunzel” – khi búi tóc lớn trong dạ dày kéo dài tới ruột non.
Ngày 27/5, các bác sĩ tại Bệnh viện Sawai Man Singh ở Jaipur (bang Rajasthan) đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi ổ bụng kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Kết quả, họ đã lấy ra một khối tóc lớn cùng nhiều dị vật khác như dây chun, sợi chỉ, gỗ và cả những viên sỏi nhỏ ra khỏi cơ thể bệnh nhi.

Khối tóc và dị vật được lấy ra từ dạ dày
Hội chứng Pica là một rối loạn ăn uống liên quan đến việc ăn các vật không phải thực phẩm. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Pica bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, bị bỏ đói, gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần và thiếu sự quan tâm, căng thẳng trong chăm sóc giáo dục. Trẻ em mắc hội chứng Pica có thể gặp các biến chứng như táo bón, tiêu chảy, thiếu hụt chất dinh dưỡng, nhiễm độc chì và chấn thương miệng.
Để tránh những biến chứng này, cha mẹ cần chẩn đoán và điều trị kịp thời chứng Pica cho trẻ. Các phương pháp điều trị bao gồm can thiệp tâm lý, trị liệu bằng thuốc và can thiệp hành vi. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ và dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn.