Nhiều gia đình trẻ đang phải đối mặt với áp lực trả góp nhà khi mất nguồn thu nhập, lãi suất tăng cao, và các khoản nợ chồng chất.

Các bạn trẻ tìm hiểu dự án nhà ở
Vay trả góp ngân hàng để mua nhà đã trở thành một thực tế phổ biến đối với người trẻ, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong việc trả góp.
Cách đây vài tuần, gia đình chị N.T. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đã quyết định rao bán căn nhà nhỏ gần chợ đầu mối Thủ Đức để trả khoản nợ vay ngân hàng. Chị T. cho biết, năm 2020, vợ chồng chị mua căn nhà hơn 50m2 trong hẻm nhỏ với giá gần 3 tỷ đồng.
“Tuy lãi suất vay mới trên thị trường hiện rất tốt, chỉ khoảng 7%/năm, trong khi khoản nợ của tôi vẫn còn hơn 1,3 tỷ đồng và lãi suất thả nổi lên tới 11%/năm (ưu đãi cố định 2 năm ban đầu 8,7%/năm). Nhưng do hiện nay chồng tôi không có nguồn thu ổn định vì thất nghiệp nên không thể đảo khoản vay”, chị T. chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh, chị M.T.L., ngụ quận Tân Phú (TPHCM), làm việc tại một tập đoàn truyền thông, cũng đang chật vật gánh khoản vay trả góp và đầu tư thua lỗ của gia đình gần 4 tỷ đồng.
Giải pháp cho bài toán trả góp
Kể lại bài học kinh nghiệm từ bản thân, chị H.C.D., giáo viên ngụ quận Gò Vấp (TPHCM) cho rằng, biết buông bỏ đúng lúc cũng là điều tốt.
“Hơn nửa năm sống cùng thuốc, ra vào bệnh viện liên miên, tôi quyết định bán tài sản để trả nợ. Bởi suy cho cùng, còn người thì còn của, có sức khỏe sẽ làm ra tiền”, chị D. tâm sự.
Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên, mỗi người nên duy trì một khoản dự phòng từ 100-200 triệu đồng để phòng ngừa ốm đau, thất nghiệp… Cùng với đó cũng chỉ nên vay ngân hàng từ 30%-50% giá trị căn nhà dự định mua.