Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 5/2025 ghi nhận sự hồi phục tích cực ở kênh phát hành mới, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của các ngân hàng thương mại. Tổng giá trị phát hành mới trong tháng đạt khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so với tháng trước. Toàn bộ lượng phát hành đều là trái phiếu riêng lẻ.
Ngân hàng dẫn dắt thị trường trái phiếu
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường với hơn 100.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, chiếm gần ba phần tư tổng giá trị. Các ngân hàng như MB và ACB lần lượt lên kế hoạch phát hành 30.000 tỷ và 20.000 tỷ đồng trong năm nay. Thị trường thứ cấp cũng có những diễn biến tích cực khi giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 5.800 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi suất giao dịch của các trái phiếu ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm từ mức “trung bình trở lên” cũng tăng nhẹ so với tháng trước.

Ngân hàng dẫn dắt thị trường trái phiếu
Tuy nhiên, trái ngược với sự khởi sắc từ phía ngân hàng, nhóm bất động sản tiếp tục chịu áp lực thanh khoản với tình trạng chậm trả trái phiếu diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 5, thị trường ghi nhận bốn trái phiếu chậm trả lần đầu đến từ ba công ty. Toàn bộ trái phiếu do các công ty thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh phát hành đều đã rơi vào tình trạng chậm trả.
Rủi ro này có thể tiếp tục lan rộng khi 6 tháng cuối năm 2025 sẽ chứng kiến khoảng 474 mã trái phiếu đến hạn, với tổng dư nợ lên tới 150.000 tỷ đồng. Trong số đó, có tới 148 trái phiếu với dư nợ 25.800 tỷ đồng hiện đang trong trạng thái chậm trả. 26 trái phiếu khác do 15 doanh nghiệp bất động sản phát hành có nguy cơ chậm trả lần đầu, với tổng dư nợ ước tính khoảng 19.000 tỷ đồng.
Dù vậy, một số doanh nghiệp bất động sản đã có động thái tích cực trong việc xử lý nợ. Sáu doanh nghiệp bất động sản trong tháng 5 đã thanh toán tổng cộng gần 5.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu chậm trả, tăng vọt 480% so với tháng trước. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi nợ gốc trên toàn thị trường đã tăng từ 30,7% lên 31,9%. Một số doanh nghiệp như Summer Beach, Seaside Homes, Đại Hùng hay Tổng công ty CP Xây dựng đã chủ động thanh toán hoặc tái cấu trúc trái phiếu.
Các chuyên gia từ VIS Rating nhận định, rủi ro tín nhiệm vẫn đang ở mức cao đối với nhiều doanh nghiệp phi tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Các chỉ tiêu về đòn bẩy tài chính, khả năng thanh toán và thanh khoản vẫn nằm ở mức thấp. Việc đánh giá rủi ro càng thêm khó khăn khi nhiều tổ chức phát hành chưa công bố đầy đủ dữ liệu tài chính.